Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

Điều Kiện Kinh Doanh Bất Động Sản

Theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch bất động sản; dịch vụ tư vấn bất động sản hoặc quản lý bất động sản nhằm mục đích sinh lợi. Theo định nghĩa này kinh doanh bất động sản gồm hai hình thức: tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản với đối tượng kinh doanh là hàng hóa bất động sản; và kinh doanh dịch vụ bất động sản với đối tượng kinh doanh là dịch vụ môi giới bất động sản, dịch vụ tư vấn bất động sản, dịch vụ quản lý bất động sản. Có nghĩa rằng cả hàng hóa và dịch vụ liên quan đến bất động sản là đối tượng điều chỉnh của Luật Kinh doanh Bất động sản.


Thứ nhất, đối với điều kiện kinh doanh hàng hóa là bất động sản của tổ chức, cá nhân tại Điều 10 Luật Kinh doanh Bất động sản chỉ yêu cầu phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) và số vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng, trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên. Theo Luật Kinh doanh bất động sản 2006 thì vốn pháp định của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là 6 tỷ đồng. Con số này đã tăng lên gấp hơn ba lần theo Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Doanh nghiệp không phải làm thủ tục đăng ký xác nhận về mức vốn pháp định hoặc phải xin văn bản xác nhận tài khoản của Ngân hàng để chứng minh vốn pháp định. Trong bối cảnh ngày này thì con số 20 tỷ vốn pháp định không phải là cao, tuy nhiên đây chỉ là điều kiện để được phép kinh doanh ngành nghề này. Con số này được nâng lên nhằm hạn chế việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản một cách ổ ạt. Còn khi thực hiện dự án cụ thể, nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ vốn điều lệ (vốn chủ sở hữu) so với vốn đầu tư (vốn chủ sở hữu và vốn vay), ký quỹ, nhà ở dự phòng,… trong các văn bản luật đất đai, luật đầu tư. Các quy định này nhằm ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư đối với dự án mình thực hiện.
Thứ hai, theo quy định tại Chương IV Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, kinh doanh dịch vụ bất động sản không có yêu cầu về vốn pháp định nhưng phải phải ứng điều kiện phải thành lập doanh nghiệp và các điều kiện về nhân sự và cơ sở vật chất. Không chỉ tổ chức, cá nhân trong nước, mà người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đều có quyền kinh doanh các dịch vụ môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, tư vấn bất động sản, quản lý bất động sản. Tuy nhiên, các công ty nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam không được phép cung cấp dịch vụ bất động sản qua biên giới mà buộc phải thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Các quy định trong Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 không rõ ràng dễ nhầm lẫn giữa kinh doanh bất động sản nói chung (gồm cả hàng hóa và dịch vụ) và kinh doanh hàng hóa bất động sản, việc quy định chi tiết về vốn pháp định không áp dụng đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản chỉ được làm rõ trong Nghị định 76/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.
Thị trường bất động sản là một thị trường đặc biệt, hàng hoá là bất động sản có giá trị rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế- xã hội, đặc biệt là thị trường nhà đất đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần vào việc thúc đẩy kinh tế – xã hội của đất nước, làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá – hiện đại hoá, do đó đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách rõ ràng nhằm bảo đảm điều chỉnh chính xác, kịp thời, tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh doanh bất động sản và các dịch vụ liên quan.


Nguồn: http://www.antlawyers.com/dieu-kien-kinh-doanh-bat-dong-san/#ixzz5pq7C8vTu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét