Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

Cha Mẹ Không Đăng Ký Kết Hôn Thì Bố Mất Con Được Chia Thừa Kế Không?

Những người được thừa kế theo pháp luật? Trường hợp tên cha không có trong giấy khai sinh thì con có được thừa kế không?

Thừa kế là việc chuyển giao tài sản của một người sau khi người này chết cho những người khác theo qui định của pháp luật. Việc chia tài sản thừa kế có thể thực hiện theo di chúc, nếu người có tài sản đã lập di chúc trước khi chết. Tuy nhiên có trường hợp người chết không để lại di chúc thì con riêng của người chết có được chia thừa kế hay không?
1. Những người được thừa kế theo pháp luật
Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, con của người để lại di sản đương nhiên được hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Trừ trường hợp người đó từ chối nhận di sản theo Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 hoặc là người không được quyền hưởng di sản theo Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên người đó phải có trách nhiệm chứng minh mối quan hệ huyết thống giữa mình và người đã chết.
2. Trường hợp tên cha không có trong giấy khai sinh thì có được nhận thừa kế không?
Đối với trường hợp, giấy khai sinh của người con không có tên người cha. Nếu giấy khai sinh không ghi tên của người cha thì sẽ không có căn cứ để xác định ai là cha của người con đó và không có giấy tờ chứng minh mối quan hệ cha con của người đó, tức là cũng không chứng minh được người con đó có quyền hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu người để lại di sản chính là người cha của người con đó thì người con có quyền làm thủ tục xác nhận cha, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết. Việc xác định cha, mẹ được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự. Sau khi có bản án, quyết định của tòa án xác nhận một người là cha cho người con thì việc thay đổi hộ tịch này được ghi vào sổ hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch 2014. Căn cứ vào Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho người con ghi bổ sung phần khai về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh của người con nếu phần khai về cha, mẹ trước đây để trống.
Như vậy, sau khi làm thủ tục xác nhận cha thì người con sẽ có đầy đủ căn cứ để chứng minh quan hệ cha con với người để lại di sản và đương nhiên theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên thì người con đó sẽ được quyền hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với Công ty luật để được tư vấn hoặc thực hiện dịch vụ soạn hồ sơ nhận cha cho con, thay đổi và bổ sung hộ tịch.


Nguồn : Luật sư 1900

0 nhận xét:

Đăng nhận xét